Không đào tạo, tập huấn định kỳ về môi trường hằng năm trong hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 31. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp; không lập kế hoạch quản lý môi trường theo quy định; không có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường theo quy định;
b) Không thực hiện chương trình giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại đã được cấp;
c) Không đào tạo, tập huấn định kỳ về môi trường hàng năm theo quy định;
d) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định;
đ) Không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại trực tuyến trên hệ thống thông tin của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông qua thư điện tử khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
e) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
g) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác có yêu cầu lưu trữ liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định;
h) Không công khai, cung cấp thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý và các thông tin về môi trường khác cần phải công khai, cung cấp thông tin theo quy định.”
Theo đó, trường hợp không đào tạo, tập huấn định kỳ về môi trường hằng năm theo quy định trong hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Từ 25/8/2022, không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với chủ nguồn thải chất thải nguy hại sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với chủ nguồn thải chất thải nguy hại sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 31. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại
…
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định;
b) Không lập sổ giao nhận chất thải nguy hại, sổ nhật ký vận hành hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý chất thải nguy hại; không lập sổ theo dõi số lượng, chất lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải nguy hại theo quy định;
c) Thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại (mô hình cụm) không đúng quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Sử dụng kho chứa chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
đ) Không thông báo bằng văn bản cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong trường hợp có lý do phải lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại mà chưa đưa vào xử lý sau 06 tháng kể từ ngày thực hiện chuyển giao ghi trên chứng từ chất thải nguy hại;
e) Không thực hiện đúng kế hoạch xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động;
g) Không có hợp đồng ba bên về việc liên kết thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại hoặc không có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong trường hợp nhận chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo hợp đồng liên kết.”
Theo đó, hành vi không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Xử phạt thế nào đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định theo nội dung hợp đồng xử lý chất thải nguy hại?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 31. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại
…
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng các quy định theo nội dung hợp đồng xử lý chất thải nguy hại;
b) Không lắp đặt các bảng hướng dẫn dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý chất thải nguy hại theo quy định;
c) Không lưu giữ chất thải nguy hại trước và sau khi xử lý trong thiết bị chuyên dụng phù hợp với loại hình chất thải nguy hại; thiết bị chuyên dụng phục vụ lưu giữ chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại hoặc thiết bị xử lý chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; không thu gom chất thải nguy hại theo quy định;
d) Không áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận theo quy định.”
Theo đó, đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định theo nội dung hợp đồng xử lý chất thải nguy hại thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào hành vi vi phạm để xác định biện pháp khắc phục hậu quả và hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 31 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Chú ý, các mức xử phạt hành chính theo quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ gấp đôi so với cá nhân.